Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa công nghệ trở thành “vũ khí” cốt lõi trong chiến lược cạnh tranh tương lai với Trung Quốc, thay vì chỉ tập trung vào các vũ khí quân sự truyền thống.
Bloomberg đưa tin, chính quyền Biden đang xem chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và mạng viễn thông thế hệ tiếp theo trở thành trọng tâm trong chiến lược của Mỹ đối với châu Á, nhằm tập hợp điều mà các quan chức gọi là “nền dân chủ công nghệ” để đối phó Trung Quốc.
Khung cạnh tranh này được đánh giá là cấp thiết với Mỹ bởi sự thiếu hụt trên toàn cầu các vi mạch cần thiết trong các sản phẩm như ô tô, điện thoại di động và tủ lạnh hiện tại.
Chiến lược này sẽ tập hợp một liên minh các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm cạnh tranh giành lợi thế trong chế tạo chất bán dẫn và điện toán lượng tử, và có thể tạm gác qua một bên các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như kho tên lửa hay quân đội.
Các quan chức chính phủ Mỹ hiện tại và cựu quan chức, cùng các chuyên gia nhận định rằng các kế hoạch của chính quyền Biden trong lĩnh vực công nghệ là mô hình thu nhỏ của các kế hoạch rộng hơn nhằm tiếp cận theo định hướng liên minh để đối phó với Trung Quốc.
Chuyên gia Lindsay Gorman tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết: “Tầm quan trọng của chất bán dẫn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng được thừa nhận vì chip là nền tảng cho mọi công nghệ trong kỷ nguyên hiện đại. Đó là một nỗ lực nhằm nhân đôi lợi thế về công nghệ mà Mỹ và các đối tác dân chủ của họ muốn thực hiện”.
Theo Bloomberg, chiến lược này sẽ đặt ra mục tiêu ngăn Trung Quốc tiếp cận với một số công nghệ nhất định, ứng phó với các công ty công nghệ Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” và có thể thúc đẩy chính phủ tham gia vào các ngành công nghiệp chủ chốt nếu cần thiết.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định rằng Washington sẽ có cách tiếp cận rộng rãi, tập trung nhiều hơn vào một số đối tác chính của họ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đồng thời nỗ lực đưa ngành sản xuất chip trở lại Mỹ.
Theo Bloomberg, Mỹ trong thời gian qua đã chứng kiến thực tế là sự thiếu hụt chip điện tử toàn cầu, một phần do Trung Quốc tăng dự dự trữ và nhu cầu tăng vọt trong đại dịch Covid-19. Điều này đã buộc một số nhà sản xuất ô tô Mỹ phải đóng cửa nhà máy và làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Mỹ khi họ phụ thuộc nhiều vào một số nhà sản xuất ở châu Á.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu đối với vi mạch cũng như pin dung lượng lớn, dược phẩm, khoáng sản quan trọng và vật liệu chiến lược như đất hiếm.
Tuy nhiên, các quan chức nói rằng còn quá sớm để đưa ra chi tiết về chiến lược của Mỹ. Ý tưởng về liên minh các nền “dân chủ công nghệ” xuất hiện trong một bài báo của tạp chí Foreign Affairs vào cuối năm ngoái nhằm kêu gọi “một diễn đàn toàn diện, trong đó các nước cùng chí hướng có thể cùng nhau đưa ra các phản ứng chung” trước thách thức từ Trung Quốc.
Cách tiếp cận này đã nhận được phản ứng tích cực từ Quốc hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp đang đề xuất một số dự luật nhằm thúc đẩy công nghệ của Mỹ, ví dụ như Đạo luật Chip nhằm kêu gọi các nhà sản xuất chip Mỹ trở về nước, và đạo luật nhằm khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào tiến bộ công nghệ.
“Tất cả chúng ta đều hiểu điều này là quan trọng, không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với an ninh quốc gia Mỹ, vì những chất bán dẫn tiên tiến xuất hiện trên mọi loại hàng hóa, từ máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 đến điện thoại di động của chúng ta”, Thượng nghị sĩ John Cornyn nhận định.
Đức Hoàng
Theo Bloomberg