Các công ty vận chuyển phải sử dụng cả công tắc khẩn cấp, nút bấm báo động, vệ sĩ mặc thường phục và hàng tấn thiết bị giám sát để đảm bảo an toàn cho quá trình phân phối vắc xin Covid-19
Trong vài tháng tới, sẽ có hàng tỷ liều vắc xin Covid-19 được phân phối bằng xe tải, máy bay, tàu thủy và tàu hỏa tới các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc trên toàn thế giới. Với khối lượng hàng hóa có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD, một vấn đề chắc chắn sẽ xảy ra: Những tên trộm sẽ tìm cách đánh cắp vắc xin.
Thorsten Neumann, Giám đốc điều hành chi nhánh Hiệp hội bảo vệ tài sản vận chuyển (TAPA) tại châu Âu, cho rằng đối với các đơn vị vận chuyển, việc phân phối vắc xin đặt ra “thách thức an ninh lớn chưa từng có trong suốt một thế hệ qua”.
Tháng 12/2020, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) phát đi “cảnh báo màu cam” cho rằng, các vụ cướp có vũ trang nhằm vào các lô hàng vận chuyển vắc xin sẽ tăng lên đáng kể, ngoài ra còn có hoạt động phá hoại của các đối tượng phản đối vắc xin.
Khi thị trường dược phẩm “chợ đen” mang lại lợi nhuận cao, các đối tượng tội phạm cũng dễ dàng thực hiện các phi vụ trộm cắp. Trên một trang mạng “đen”, vắc xin Covid-19 không rõ nguồn gốc và chất lượng được rao bán với giá 200 USD/liều.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm gia tăng số vụ trộm cướp các sản phẩm liên quan tới đại dịch. Năm ngoái, hàng triệu khẩu trang đã bị đánh cắp khỏi một nhà kho sân bay Kenya. Lô găng tay y tế trị giá 1 triệu USD bị cướp khỏi một container ở Florida (Mỹ) và gần 200 máy thở đang trên đường tới Colombia cũng bỗng nhiên biến mất. Thậm chí, giấy vệ sinh cũng trở thành mục tiêu trộm cướp. Vào thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt tích trữ hàng hóa năm ngoái, 130.000 cuộn giấy vệ sinh đã bị lấy cắp ở Anh.
Theo Bloomberg, để đối phó với tình trạng trên, các công ty vận tải buộc phải triển khai các biện pháp hỗ trợ, từ bổ sung thêm nhân lực cho tới trang bị các thiết bị mới.
Tăng cường biện pháp an ninh
Công ty vận tải Hà Lan H. Essers, hãng thường xuyên vận chuyển các mặt hàng nhạy cảm như tiền mặt hay đồ thủ công mỹ nghệ, đã chọn những tài xế kinh nghiệm nhất trong đội ngũ gồm 600 người để vận chuyển vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech từ một cơ sở sản xuất tại Bỉ đi khắp châu Âu.
Mặc dù 250 tài xế được chọn đều là những người đã làm việc cho Essers trung bình khoảng 10 năm, nhưng họ đều phải trải qua bước kiểm tra lý lịch. Cửa xe tải sẽ được trang bị khóa điện tử và chỉ có thể mở từ xa. Các tài xế cũng trải qua quá trình huấn luyện bổ sung về cách đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lô hàng vắc xin trên xe của họ.
“Các biện pháp an ninh được triển khai ở mức cao nhất”, Ron Van Holland, một quản lý phụ trách các biện pháp an ninh tại Essers, cho biết.
Robert Coyle, người giám sát việc vận chuyển sản phẩm y tế cho tập đoàn hậu cần khổng lồ Kuehne + Nagel ở Thụy Sĩ cho biết, các xe tải được sử dụng để chở vắc xin Covid-19 của Moderna và Sinovac, tuy nhiên các thùng vắc xin trên xe sẽ không được đánh dấu để gia tăng mức độ an toàn. Tại một số địa điểm, xe tải chở vắc xin sẽ được nhân viên an ninh có vũ trang hộ tống. Các xe này cũng được trang bị công nghệ giám sát để hàng chục nhân viên trong nhóm chuyên trách về hàng hóa Covid-19 của công ty vận tải có thể theo dõi từ xa 24/7.
“Chúng tôi sẽ biết cửa xe có mở hay không, xe dừng khi nào, xe dừng bao lâu để nghỉ và nếu quá thời gian quy định, chúng tôi sẽ báo cho tài xế cũng như các nhóm của chúng tôi”, ông Coyle cho biết.
Aircargo Transport GmbH, hãng vận tải Đức chuyên vận chuyển hàng hóa giá trị cao, đã trang bị hơn 10 xe tải Mercedes và Scania để chở vắc xin với giá 300.000 USD/xe. Cửa xe được trang bị chuông báo động và chuông sẽ kêu nếu người ngoài tìm cách mở cửa xe. Xe còn được trang bị nút báo động để tài xế có thể thông báo về trụ sở chính trong trường hợp xảy ra bất kỳ tình huống nguy hiểm nào. Nếu xe bị cướp, nút khẩn cấp sẽ được kích hoạt và tắt động cơ của xe.
Hành trình vận chuyển vắc xin trên đường cũng được nâng cấp về an ninh. Các tài xế chỉ được dừng xe tại những vị trí được quy định từ trước. Đoàn xe chở lô vắc xin trị giá hơn 10 triệu USD có thể sẽ được cảnh sát hộ tống.
Mọi chuyến hàng đều có một xe ô tô chở 2 vệ sĩ mặc thường phục bám đuôi để đảm bảo các đối tượng trộm cắp không thể mở cửa xe từ phía sau để lấy hàng, khi xe đang chạy trên cao tốc. Đây là thủ đoạn được các băng nhóm tội phạm Đông Âu thường xuyên sử dụng mà theo mô tả của Horst Boedicker, một quản lý tại Aircargo Transport, hành trình này “giống như một bộ phim của James Bond”.
Bên trong xe tải, các thùng chứa vắc xin sẽ được trang bị cảm biến không dây, có thể truyền tín hiệu nếu phát hiện thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng và địa điểm để theo dõi trong trường hợp vắc xin bị đánh cắp, đồng thời bảo đảm sự nguyên vẹn của hệ thống làm mát cần thiết để bảo quản vắc xin.
Dù được bảo vệ nghiêm ngặt đến đâu, nhưng chỉ cần sai sót nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng toàn bộ lô vắc xin. Điều này đồng nghĩa với việc, các hãng vận tải không chỉ chú trọng tới việc chống trộm, mà còn phải ngăn chặn bất kỳ nguy cơ nào có thể đe dọa sự nguyên vẹn của lô hàng.
“Nếu ai đó đột nhập vào thùng xe tải và lấy cắp 2 trong số 10.000 chiếc máy tính xách tay, thì 9.998 chiếc còn lại vẫn ổn. Nhưng nếu có bất kỳ sự can thiệp nào vào chuỗi cung ứng vắc xin, điều đó đồng nghĩa với việc số vắc xin đó sẽ bị tiêu hủy. Do vậy, việc bảo vệ những lô hàng như vậy đòi hỏi phải có cách thức hoàn toàn khác”, chuyên gia Mike Yarwood tại hãng tư vấn rủi ro TT Club nhận định.