Quân đội Australia gây chấn động vì vụ giết 39 dân thường Afghanistan

Nikkei Asia cho rằng việc lực lượng đặc nhiệm Australia dính cáo buộc bắn 39 thường dân Afghanistan là vết nhơ của quân đội và đe dọa danh tiếng quốc gia này trên trường quốc tế.

Dư luận quốc tế chấn động trước những cáo buộc về tội ác chiến tranh của binh lính Australia tại Afghanistan từ năm 2006 đến năm 2013. Nikkei Asia cho rằng đây là vết nhơ khó xóa nhòa đối với lực lượng vũ trang Australia và danh tiếng của nước này trong mắt cộng đồng quốc tế.

Chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Australia, tướng Angus Campbell, hôm 19/11 công bố báo cáo chứa đựng những “thông tin đáng tin cậy” về vụ giết hại phi pháp 39 dân thường Afghanistan và đối xử tàn nhẫn với hai người khác.

Vụ việc liên quan đến 25 binh sĩ tại ngũ và cựu binh thuộc lực lượng đặc nhiệm Australia (ADF).

Tác giả của báo cáo, thiếu tướng, thẩm phán Paul Brereton, mô tả hành động của các binh sĩ này là “đáng hổ thẹn và là một sự phản bội sâu sắc” đối với ADF.

Lính của NATO đứng gác ở thung lũng Tagab, Afghanistan, vào ngày 15/11/2009. Ảnh: AP.

Vụ việc gây chấn động

Thủ tướng Scott Morrison hôm 21/11 gọi đây là “báo cáo vô cùng đáng lo ngại và đau buồn”, đồng thời tuyên bố sẽ giải quyết vụ việc.

“Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này theo luật pháp, theo quy định của hệ thống tư pháp của chúng tôi”, ông Morrison nói.

Báo cáo cho biết không có vụ giết người nào diễn ra trong chiến trận, và tất cả đều xảy ra trong những tình huống có thể cấu thành tội ác giết người trong chiến tranh. Theo báo cáo, toàn bộ nạn nhân đều không tham chiến hoặc không còn là chiến binh.

Tổng cộng 25 thủ phạm đã được xác định với vai trò chính hoặc phụ. Một số vẫn đang phục vụ trong ADF.

Vụ việc càng trở nên tồi tệ hơn trong mắt công chúng vì trước đó, ADF đã né tránh trách nhiệm và không giải quyết vấn đề sớm hơn.

Từ năm 2006, nhiều thông tin được lan truyền cho thấy một số binh sĩ thuộc ADF đã vi phạm quy định và phạm tội lạm dụng.

Vào năm 2017, cựu thiếu tướng lục quân David McBride tiết lộ tài liệu về hành vi tồi tệ của binh sĩ Australia trên chiến trường cho đài truyền hình quốc gia ABC. Sau đó, ABC công bố “Hồ sơ Afghanistan” gây chấn động vào tháng 7/2017.

Quân nhân Australia bị cáo buộc dính líu đến việc giết hại 39 thường dân Afghanistan. Ảnh: ABC News Australia được cung cấp.

Trong khi đó, ông McBride bị buộc tội đánh cắp tài liệu và phát hành tài liệu bất hợp pháp.

Tướng Campbell xin lỗi người dân Afghanistan và cho biết nhiều khả năng sẽ truy tố các binh sĩ và bồi thường cho các nạn nhân. Một số binh sĩ có thể phải chịu án tù, tuy nhiên quy định của pháp luật hiện hành sẽ không thể khiến cấp chỉ huy phải chịu trách nhiệm, trong đó có các chính trị gia cấp cao điều động binh sĩ Australia đến Afghanistan.

Vấn đề cơ bản trong sứ mệnh tại Afghanistan là sự mâu thuẫn giữa các đồng minh quân sự. Trong khi Australia sẵn sàng tham chiến để hỗ trợ Mỹ – đồng minh quân sự chính – thì Washington lại không muốn có quá nhiều thương vong.

Để giảm thiểu tổn thất trên chiến trường, Australia điều động đến đây các đơn vị tinh nhuệ nhất của nước này, bao gồm trung đoàn không quân đặc nhiệm và trung đoàn biệt kích số 2.

Binh sĩ đầu tiên của Australia thiệt mạng tại Afghanistan là một trung sĩ thuộc lực lượng không quân đặc nhiệm, thiệt mạng khi chiếc xe tuần tra tầm xa trúng mìn vào tháng 2/2002.

Văn hóa độc hại trong quân đội

Trong số 26.000 binh sĩ Australia phục vụ tại Afghanistan từ năm 2005 đến năm 2016, chỉ 3.000 người thuộc Nhóm Đặc nhiệm Hoạt động Đặc biệt. Các binh sĩ này được cho chịu ảnh hưởng từ việc phải chiến đấu liên tục trong nhiều đợt triển khai, dẫn đến hành vi không phù hợp.

Nhóm này cũng phải chịu thương vong nhiều hơn (gần một nửa trong số 41 binh sĩ Australia chết ở Afghanistan là người của Nhóm Đặc nhiệm Hoạt động Đặc biệt). Nhiều cựu binh của nhóm cũng bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn khi kết thúc thời gian tham chiến tại đây.

Tướng Campbell cho biết bản báo cáo “đáng xấu hổ” bao gồm các trường hợp bị cáo buộc hành quyết tù nhân để “tắm máu”. Trong đó, các binh sĩ mới bị ép phải bắn một tù nhân, như một phần của quá trình các binh sĩ này lần đầu ra tay giết người.

Binh sĩ Australia tại trụ sở của NATO ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP.

Trong khi chờ truy tố, bản báo cáo này đã được biên tập lại khá nhiều, cùng với đó là tên của các nhân chứng và thủ phạm cũng bị xóa bỏ.

Theo tướng Campbell, giữa trung đoàn không quân đặc nhiệm và trung đoàn biệt kích số 2 còn có “sự cạnh tranh độc hại”. Ông gọi đây là “nỗi ô nhục” đối với cả hai nhóm.

“Thất bại của cả đơn vị và cấp trên là không kịp thời chỉnh đốn văn hóa này khi nó phát triển”, ông nhấn mạnh.

Báo cáo không đưa ra bằng chứng nào cho thấy cấp chỉ huy của quân đội Afghanistan biết về các vụ tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, tướng Campbell cho rằng các chỉ huy vẫn có trách nhiệm đạo đức dù không nhận biết được vấn đề.

Tuy ADF hiện bày tỏ thiện chí sẵn sàng đẩy lùi văn hóa độc hại này trong lực lượng, nhưng ông McBride cho rằng đã quá trễ. Từ trải nghiệm trong thời gian tham chiến ở Afghanistan, ông cảm thấy lo lắng và đã trình báo vụ việc với cảnh sát liên bang Australia.

Ông bị các sĩ quan cấp cao phớt lờ và cuối cùng ông quyết định đưa tài liệu cho đài ABC. Ông McBride bị bắt vào năm 2017 và có thể phải đối mặt với mức án chung thân trong phiên tòa xét xử vào năm sau.

Trong bức thư gửi cho tướng Campbell, cựu Thượng nghị sĩ Nick Xenophon cho rằng những người chỉ điểm như ông McBride đã quyết không để bị đe dọa và không giữ im lặng. “Theo quan điểm của tôi, họ đã chuộc lại danh tiếng của quốc gia chúng ta. Họ không đáng phải ngồi tù”, ông Xenophon viết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *