Quái vật bay 3 đầu diệt ngầm VVA-14 “kỳ dị” của Liên Xô

Nguyên mẫu duy nhất của loại máy bay kỳ dị này còn tồn tại hiện đang nằm trên một cánh đồng gần Moscow, nhưng nó từng là hy vọng của Liên Xô chống lại các cuộc tấn công tàu ngầm của Mỹ

Nguyên mẫu duy nhất của loại máy bay kỳ dị này còn tồn tại hiện đang nằm trên một cánh đồng gần Moscow, nhưng nó từng là hy vọng của Liên Xô chống lại các cuộc tấn công tàu ngầm của Mỹ.

Bartini Beriev VVA-14 – những chữ cái là viết tắt của cụm từ “thủy phi cơ cất cánh thẳng đứng” và 14 là số động cơ – được thiết kế để có thể cất cánh từ bất cứ đâu mà không cần đường băng và có khả năng bay liên tục trên mặt nước.

Được thiết kế từ những năm 1960, VVA-14 là câu trả lời cho các tên lửa đạn đạo Polaris của Mỹ. Ảnh: CNN

Được thiết kế từ những năm 1960, chiếc máy bay này là câu trả lời cho các tên lửa đạn đạo Polaris của Mỹ. Mỹ sử dụng loại tên lửa này từ năm 1961 trên các hạm đội tàu ngầm như một biện pháp răn đe hạt nhân. Trong tâm trí nhà thiết kế Robert Bartini, chiếc máy bay “lưỡng cư” VVA-14 này có thể là cỗ máy hoàn hảo để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm mang tên lửa.

Tuy nhiên, kế hoạch không tồn tại được lâu. Chỉ có 2 trong số 3 nguyên mẫu đề xuất được chế tạo và chỉ có 1 chiếc duy nhất từng cất cánh. Khi Bartini qua đời năm 1974, dự án cũng “chết” theo ông và nguyên mẫu thứ 2 đã bị tháo rời.

Nguyên mẫu đầu tiên được gửi tới Bảo tàng Không quân trung tâm gần Moscow năm 1987. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, chiếc máy bay bị cướp phá và bị hư hỏng, nhưng tới nay vẫn chưa được sửa chữa.

Quái vật 3 đầu

“VVA-14 là con tàu biết bay, có thể cất cánh từ mặt nước hoặc cất cánh thẳng đứng trên mặt đất, sau đó có thể hoạt động như một chiếc máy bay thông thường”, Andrii Sovenko, một nhà lịch sử hàng không Liên Xô cho biết.

Năm 2005, Sovenlko đã gặp Nikolai Pogorelov, cấp phó của Robert Bartini trong giai đoạn thiết kế chiếc máy bay.

“Theo Pogorelov, Bartinia là người nhìn xa trông rộng, ông có quan điểm và tính cách chẳng giống với ai. Dường như ông ấy đến từ một thời đại nào đó khác, thậm chí có người còn gọi ông ấy là người ngoài hành tinh. Dù vậy, Bartini đã để lại một dấu ấn trong ngành chế tạo máy bay Liên Xô. Ông nổi tiếng chủ yếu vì các ý tưởng, khái niệm của mình và chỉ một số ý tưởng trong đó thực sự trở thành hiện thực”, Sovenko nói.

Bartini, người đã rời quê nhà ở Italy tới Liên Xô năm 1923 sau sự nổi lên của phe phát xít, đưa ra vài phiên bản khác nhau của VVA-14, trong đó có một phiên bản có đệm phao để hạ cánh trên mặt nước và một phiên bản khác có cánh gập để có thể hoạt động từ các con tàu trên biển.

Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh năm 1972.

“Chiếc máy bay này không có động cơ nâng hay bất cứ thiết bị nào cho việc săn ngầm. Nó được thiết kế chỉ với mục đích nghiên cứu các đặc tính của cất cánh thẳng đứng và thử nghiệm hệ thống máy bay. Tổng cộng, từ năm 1972-1975, nguyên mẫu này thực hiện 107 chuyến bay với hơn 103 giờ bay”, Sovenko nói.

Vẻ ngoài “kỳ dị” khiến VVA-14 có biệt danh Zmei Gorynich, tên một con rồng trong các câu truyện dân gian Nga.

Kế hoạch hồi sinh “chết yểu”

Nguyên mẫu thứ 2 được thiết kế có động cơ hỗ trợ cất cánh thẳng đứng, nhưng điều đó không trở thành hiện thực vì khi đó, người ta chưa phát triển được một loại động cơ phù hợp. Điều này đã khiến dự án bị chết yểu và chiếc máy bay bị tháo rời.

VVA-14 được thiết kế để có thể cất cánh từ bất cứ đâu mà không cần đường băng và có khả năng bay liên tục trên mặt nước. Ảnh: CNN

Bartini đã tìm cách đem lại “cuộc sống mới” cho VVA-14 bằng cách biến nó thành một “ekranoplan”, thủy phi cơ sử dụng hiệu ứng mặt đất để có thể bay là là trên mặt nước ở tốc độ cao giống như chiếc xe chạy trên đệm khí. Tuy nhiên, dự án vẫn không thể “sống sót”.

“Tôi nghĩ rằng quân đội Liên Xô đã nhanh chóng nhận ra rằng VVA-14 không đủ hiệu quả để trở thành một chiếc máy bay chống ngầm. Nó chỉ có thể mang một số lượng ít tên lửa và các thách thức kỹ thật trong việc tạo ra một cỗ máy dị thường như vậy là rất lớn. Cuối cùng, quân đội phải sử dụng các loại máy bay khác để thực hiện nhiệm vụ này”, Sovenko nói.

Sau khi chính thức “nghỉ hưu”, nguyên mẫu ban đầu được vận chuyển bằng sà lan từ Taganrog miền Nam nước Nga, nơi nó được chế tạo và thử nghiệm, tới thị trấn nhỏ Lytkarino gần Moscow. VVA-14 bị bỏ mặc, bị hư hỏng một phần và bị tháo dỡ.

Sau đó, VVA-14 được đưa tới khu vực Monino ở Bảo tàng Không quân Trung tâm, chiếc máy bay vẫn ở trong tình trạng bị hư hỏng nặng cho tới nay.

“Quả thực, một số thành phần của nguyên mẫu ban đầu đã ở Monino suốt 33 năm trong trạng thái sắt vụn. Tôi không biết vì sao ban lãnh đạo bảo tàng không có biện pháp nào đẻ khôi phục chiếc máy bay thú vị này”, Sovenko cho biết.

Chiếc máy bay đã bị mất nhiều thành phần

Giám đốc Bảo tàng Không quân trung tâm, Alexander Zarubetsky, xác nhận với CNN rằng, một số bộ phận của chiếc máy bay đã bị mất.

“Năm 2012, các đại diện từ nhà máy chế tạo máy bay Taganrog, nơi chiếc VVA-14 được chế tạo, đã cam kết sẽ trợ giúp trong việc tìm kiếm các linh kiện cho VVA-14, nhưng do thiếu kinh phí, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện”, ông Zarubetsky nói.

Chi phí khôi phục chiếc máy bay vào khoảng 1,2 triệu USD và có thể mất 1-2 năm nếu các chuyên gia hàng không làm việc trực tiếp tại bảo tàng.

Ông Sovenko cho rằng, nếu VVA-14 từng được hoàn thành và thử nghiệm đầy đủ, nó có thể là chiếc máy bay thực sự độc nhất vô nhị.

“Nó có thể cất cánh và hạ cánh cả theo phương thẳng đứng và theo chiều ngang, cả trên mặt đất và mặt nước. Nó có thể nổi trong một thời gian dài như một con tàu và có thể tiến hành tác chiến chống ngầm. Tất nhiên, nó cũng có thể bay như một chiếc máy bay thông thường. Tính đa dụng này chính là điểm đặc biệt nhất của nó. Đáng tiếc, VVA-14 lại chưa bao giờ thực sự đạt đến toàn bộ tiềm năng của nó”, theo ông Sovenko.

Theo Hoàng Phạm
VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *