Trung Quốc đã chặn bài viết của Thủ tướng Australia trên mạng xã hội của nước này giữa lúc căng thẳng leo thang liên quan tới một bức ảnh gây tranh cãi.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đăng một bài viết lên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc vào tối 1/12, đề cập tới tranh cãi gần đây giữa hai nước sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng ảnh binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan. Ông Morrison chỉ trích bức ảnh này là “giả mạo”.
Trong bài đăng trên WeChat, Thủ tướng Morrison khẳng định “việc đăng một bức ảnh giả mạo về một người lính Australia không làm mất đi sự tôn trọng của chúng tôi dành cho cộng đồng người Hoa ở Australia hay tình hữu nghị với người dân Trung Quốc”.
“Chúng tôi công nhận, đánh giá cao và trân trọng những đóng góp mà nhiều thế hệ người Hoa nhập cư đã làm cho Australia”, ông Morrison viết.
Thủ tướng Morrison cũng sử dụng bài viết trên WeChat để bảo vệ cách Australia tiến hành cuộc điều tra tội phạm chiến tranh, liên quan tới hành động của binh sĩ đặc nhiệm nước này tại Afghanistan. Ông Morrison khẳng định Australia có khả năng xử lý “những vấn đề gai góc” như vậy một cách “minh bạch và trung thực” và đây là điều mà bất kỳ quốc gia “tự do, dân chủ” nào nên hành động.
Tuy nhiên, không lâu sau khi được đăng tải, bài viết của Thủ tướng Australia đã bị WeChat chặn. Văn phòng của ông Morrison xác nhận bài viết đăng trên tài khoản WeChat của Thủ tướng đã bị xóa trong đêm. WeChat cho rằng nội dung của bài viết không phù hợp để xem vì vi phạm các quy định, bao gồm bóp méo sự kiện lịch sử và gây hoang mang dư luận.
WeChat là mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc. Ứng dụng này có tới 690.000 người sử dụng hàng ngày ở Australia. Bài viết của ông Morrison đã thu hút 57.000 người đọc tính đến ngày 2/12.
Bức ảnh gây tranh cãi trên Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra vài ngày sau khi một báo cáo công bố gần đây cho thấy có “bằng chứng đáng tin cậy” về tội ác chiến tranh do lực lượng đặc nhiệm Australia gây ra ở Afghanistan.
Thủ tướng Morrison đã đề nghị Twitter gỡ bức ảnh gây tranh cãi. Tuy nhiên, Twitter vẫn chưa gỡ, thay vào đó ẩn bức ảnh dưới nhãn cảnh báo bài đăng này “có thể chứa nội dung nhạy cảm”.
Thủ tướng Australia cũng yêu cầu Trung Quốc xin lỗi, song Bắc Kinh không chấp nhận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia thậm chí “tố ngược” Australia phản ứng thái quá với vấn đề này.
Theo Sputnik