Với kinh nghiệm thuyết phục lưỡng đảng và khả năng thấu cảm, ông Biden có thể giúp nước Mỹ khép lại giai đoạn được định hình bằng sự chia rẽ sâu sắc và nhiều bất ổn.
Lần đầu tiên tuyên thệ đảm nhận một chức vụ liên bang (thượng nghị sĩ), ông Joe Biden đứng trong nhà nguyện của bệnh viện, bên cạnh là hai cậu con trai còn nhỏ đang bình phục sau vụ tai nạn xe hơi.
Hai con là người thân duy nhất còn lại sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của vợ và con gái. Do vậy, thượng nghị sĩ mới đắc cử Biden không đồng ý rời xa các con để đến Washington nhậm chức.
Vì vậy, đại diện Thượng viện đã đến Wilmington, Delaware – bang nhà của ông Biden – để tiến hành việc tuyên thệ hiếm khi được cho phép diễn ra bên ngoài Điện Capitol ở Washington.
Ngoại lệ này hiếm đến độ Thượng viện phải bỏ phiếu trước đó để thông qua, với kết quả 100% chấp thuận. Người con lớn nhất của ông Biden, Beau, gần 4 tuổi, được đưa vào căn phòng nhỏ bằng băng ca, chân trái treo lơ lửng trên không, để theo dõi buổi lễ (ảnh dưới).
“Lạy Chúa! Cuộc sống và số phận thường rất khó lý giải”, linh mục Justin Diny, hiệu trưởng trường trung học của ông Biden, nói trong buổi sáng hôm đó, theo Washington Post.
Giờ đây, hơn 48 năm sau, những sự “khó lý giải” đó của cuộc sống tiếp tục đặt ông vào một tình thế gian nan khác.
Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức một lần nữa vào ngày 20/1, sau 36 năm làm thượng nghị sĩ và 8 năm làm phó tổng thống.
Lần này, buổi lễ sẽ diễn ra tại Washington.
Lần này, ông không phải đang phải trải qua bi kịch cá nhân mà là đang trải qua bi kịch của đất nước.
Lần này, ông sẽ tuyên thệ cho chức vụ ông từng chạy đua trước đây: tổng thống Mỹ.
Song, khi đã đạt được mục tiêu cuộc đời, ông Biden phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn so với nhiều người trong số 45 tổng thống tiền nhiệm.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh tại Mỹ, với hàng chục triệu ca nhiễm và hàng trăm nghìn người đã chết. Nền kinh tế bị tàn phá trong năm qua làm trầm trọng thêm khoảng cách về thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến những người Mỹ nghèo hơn không trả được tiền thuê nhà và phải xếp hàng dài tại những nơi cấp phát thực phẩm.
Ông Biden cũng sẽ đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ biến đổi khí hậu, sự thức tỉnh về nạn phân biệt chủng tộc trong nước, và những câu hỏi mới về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.
Ông Donald Trump, tổng thống sắp mãn nhiệm, khiến quá trình chuyển giao quyền lực lần này là một trong những lần biến động nhất lịch sử Mỹ.
Cùng lúc, một đám đông được ông Trump khuyến khích đã xông vào Điện Capitol ngày 6/1 nhằm cố gắng lật ngược cuộc bầu cử, chỉ hai tuần trước lễ nhậm chức.
Ông Biden nhậm chức giữa giai đoạn nước Mỹ bị chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ thời nội chiến.
“Ông ấy là người may mắn nhất mà tôi từng gặp trong cả cuộc đời mình. Và ông ấy cũng là người kém may mắn nhất mà tôi từng biết”, cựu Thượng nghị sĩ Ted Kaufman, một trong những người bạn và cộng sự lâu năm nhất của ông Biden, nói về tổng thống sắp nhậm chức.
Cuộc thử nghiệm thất bại
Khi ông Trump giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử gây sốc 4 năm trước, nhiều người tặc lưỡi nói: “Chuyện quái gì thế này? Nếu cho ông ấy một cơ hội. Điều gì tệ hại nhất có thể xảy ra chứ?”
Và cuộc thử nghiệm đó của nước Mỹ cuối cùng đã thất bại, như tiêu đề bài viết của nhà bình luận chính trị Paul Waldman trên Washington Post.
“Đó là cơn ác mộng mà chúng ta phải sống chung mỗi ngày”, ông viết, gọi ông Trump là “tổng thống tồi nhất trong lịch sử Mỹ”, “chính trị gia không trung thực nhất trong lịch sử thế giới”.
Ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần tại Hạ viện.
Cuộc bầu cử năm 2016 tô đậm sự chia rẽ vốn đã âm ỉ trong lòng nước Mỹ, và ông Trump chính là người đổ thêm dầu vào lửa, khoét sâu thêm rạn nứt. Ông tiếp tục làm điều đó không chỉ trong chiến dịch tranh cử mà cả trong 4 năm nắm quyền.
Kết quả của cuộc thử nghiệm bốn năm qua là một nước Mỹ bất ổn về mọi mặt: một cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa được kiểm soát tại nơi được xem có hệ thống y tế tốt nhất thế giới; một nền kinh tế đang tụt dốc; và một xã hội bị phân cực ngày càng sâu sắc.
Nước Mỹ dưới thời Trump không chỉ có hai phe cơ bản như truyền thống, mà thực tế có thể xem là ba phe, trong đó tổng thống đương nhiệm đã trở thành một thế lực nguy hiểm.
Ông Trump không chỉ đối đầu với phe Dân chủ, gây nội chiến trong phe Cộng hòa, mà còn thách thức giới hạn của hiến pháp và những giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ.
Đỉnh điểm của mọi sự rối ren là cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1, khi các nhà lập pháp lưỡng viện đang xác nhận kết quả cuộc bầu cử mà ông Trump vẫn chưa chấp nhận thất bại.
Hậu quả là cảnh bạo lực chưa từng có tiền lệ xảy ra ngay ở nơi được xem là “trái tim của nền dân chủ Mỹ”. Ít nhất năm người chết, bao gồm hai cảnh sát.
Trước nguy cơ bạo lực mà nhiều người nói là “khủng bố” có thể lặp lại, 25.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai tại thủ đô Washington trong ngày 20/1. Con số này gấp 3 lần tổng số quân Mỹ được triển khai tại Iraq, Afghanistan, Somalia và Syria.
Chưa bao giờ lễ nhậm chức tổng thống Mỹ lại được bảo vệ nghiêm ngặt đến vậy trong 245 năm lịch sử Mỹ.
Đó là chưa kể các vị trí chủ chốt đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức như lãnh đạo Cảnh sát Capitol, lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa – cơ quan quản lý Mật vụ Mỹ, đều từ chức sau vụ bạo loạn ngày 6/1.
Sự rối ren bên trong cũng đẩy nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm về an ninh quốc gia trước những mối đe dọa từ bên ngoài.
Do những tranh cãi hậu bầu cử và sự trì hoãn trong quá trình chuyển giao, ông Biden gần như sẽ không thể có bộ trưởng quốc phòng ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ. Các vị trí chủ chốt khác trong đội ngũ an ninh quốc gia cũng có thể không sớm được phê chuẩn ở Thượng viện như truyền thống.
Và ông Biden cũng sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong 152 năm qua, kể từ thời Andrew Johnson năm 1869, nhậm chức mà không có sự tham dự của người tiền nhiệm.
Ông Trump đã tuyên bố không tham dự buổi lễ và dự kiến bay đến Florida trong sáng ngày 20/1.
Đó sẽ là biểu hiện rõ ràng nhất về sự chia rẽ sâu sắc tại Mỹ, và cũng sẽ là bối cảnh không thể nào tốt hơn cho chủ đề bài diễn văn mà ông Biden sẽ đọc trong lễ nhậm chức: “America United” (Nước Mỹ đoàn kết).
Chủ đề này “phản ánh sự khởi đầu của một hành trình quốc gia mới nhằm tìm lại linh hồn nước Mỹ, gắn kết đất nước và vạch ra con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn”, theo tuyên bố mà Ủy ban Nhậm chức Tổng thống (PIC) gửi cho AP.
Lựa chọn không hề dễ dàng
Ngay sau lễ nhậm chức, ông Biden, phó tổng thống đắc cử Harris và bạn đời của họ sẽ đến đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sĩ Vô danh ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Các cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và phu nhân sẽ đi cùng.
Đây sẽ là một trong những hoạt động đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống, thể hiện tinh thần hòa hợp lưỡng đảng mà ông cho rằng đất nước đang cần.
Vấn đề đoàn kết đất nước đã định hình chiến dịch tranh cử của ông Biden ngay từ đầu. Ông nhiều lần khẳng định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu sau khi bước chân vào Nhà Trắng.
Song phạm vi – và mức độ cấp bách – của thách thức mà ông Biden phải đối mặt càng trở nên rõ ràng hơn, sau khi ông Trump bị cáo buộc châm ngòi cho vụ nổi loạn có vũ trang tại Điện Capitol.
Bạo lực được thúc đẩy bởi những tuyên bố lặp đi lặp lại của tổng thống thứ 45, dù không có chứng cứ, rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” khỏi tay ông.
“Lễ nhậm chức này đánh dấu một chương mới đối với người dân Mỹ – chương của sự hàn gắn, của sự gắn kết, của sự xích lại gần nhau, của một nước Mỹ đoàn kết”, Giám đốc điều hành PIC Tony Allen cho biết.
“Đã đến lúc lật qua trang về thời kỳ chia rẽ này này. Các hoạt động nhậm chức sẽ phản ánh các giá trị chung của chúng ta. Nó như lời nhắc nhở rằng khi đi cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn, như khẩu hiệu của chúng ta ‘e pluribus unum’ (từ rất nhiều, chúng ta hợp thành một) nhắc nhở”, ông Allen nói.
Ủy ban PIC cũng công bố kế hoạch cho hoạt động trưng bày nghệ thuật công cộng quy mô lớn ở công viên National Mall, với 191.500 lá cờ Mỹ và 56 cột ánh sáng, đại diện cho mọi tiểu bang và lãnh thổ của đất nước.
Sau khi ông Biden yêu cầu người Mỹ không đến Washington dự lễ nhậm chức để tránh nguy cơ lây nhiễm giữa thời đại dịch, “cánh đồng lá cờ” đại diện cho những người Mỹ không thể tới Điện Capitol để theo dõi sự kiện.
Thách thức cam go nhất đối với nỗ lực đoàn kết đất nước của ông Biden sẽ là phiên tòa xét xử người tiền nhiệm tại Thượng viện, sau khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã luận tội ông Trump lần thứ hai.
Phiên tòa không chỉ cản trở các nỗ lực lập pháp của ông Biden mà còn đẩy ông vào tình thế phải lựa chọn: Liệu ông sẽ là đóng vai người trả đũa hay người hòa giải?
“Đó là tình thế mà chọn cách nào cũng không thể thắng”, biên tập viên Gerald F. Seib của Wall Street Journal bình luận.
Một số đảng viên đảng Cộng hòa cho rằng mong muốn của ông Biden – về việc vượt qua sự chia rẽ và trả thù chính trị để bước sang thời kỳ đoàn kết hơn – sẽ bị hủy hoại nếu ông ủng hộ việc trả đũa ông Trump một cách cá nhân.
Song, là một đảng viên dân chủ, ông Biden cũng không thể làm ngơ với nỗ lực mà đảng mình đang theo đuổi.
Lịch sử cho thấy một số ví dụ về các tổng thống mới của Mỹ phải chọn cách đưa ra quyết định khó khăn để hàn gắn đất nước.
Tổng thống James Monroe, một người miền Nam, đã thực hiện chuyến công du các bang miền Bắc ngay sau khi ông nhậm chức, nhằm hàn gắn sự chia rẽ chính trị vốn trầm trọng hơn sau cuộc bầu cử mà ông giành chiến thắng.
Tổng thống Warren Harding, người có nhiệm kỳ ngắn ngủi vì bê bối, vẫn cố gắng hàn gắn vết thương do Thế chiến I để lại bằng cách giảm nhẹ bản án cho Eugene V. Debs – người bị kết tội vì những hành vi kích động bạo loạn.
Nổi tiếng nhất gần đây là vụ cựu Tổng thống Gerald Ford ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon để giúp đất nước không phải chịu những tổn thương sau bê bối Watergate.
Và một tuần sau đó, ông Ford ân xá cho những người trốn nghĩa vụ hoặc đào ngũ. Những quyết định này gây ra phẫn nộ, góp phần dẫn đến thất bại của ông Ford trong cuộc bầu cử năm 1976.
Một số nhà quan sát đã đưa ra gợi ý cho ông Biden.
“Joe Biden phải đối mặt với hoàn cảnh khác xa với những gì đã xảy ra với Ford, nhưng có điểm chung là tiễn bước một tổng thống bị thất sủng và tiếp tục công cuộc chấn hưng đất nước”, John A. Farrell, tác giả một cuốn tiểu sử về Richard Nixon, nói với Politico.
“Thật khó để hình dung về một giải pháp chính trị giống như cách ông Ford áp dụng vào thời điểm đó. Ân xá hoặc khiển trách Donald Trump, kết hợp với ân xá cho những người nhập cư không có giấy tờ, thì sao?”, Farrell nói.
Hồ sơ chính trị của một lão làng
Dù muốn hay không, phiên tòa ở Thượng viện cũng sẽ là cái bóng phủ lên những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden.
Nhưng cuộc đời ông Biden đã được định hình bằng việc vượt qua những trở ngại. Khi còn là một đứa trẻ, ông mắc chứng nói lắp dẫn đến sự sợ hãi khi phải nói trước đám đông. Việc kiên trì tập luyện giúp ông khắc phục được nhược điểm này.
Vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng vợ và con gái từng khiến ông đặt câu hỏi về mục đích cuộc đời. Ông từng nói, dù không thường xuyên, về ý định tự tử.
Cái chết của con trai Beau vào năm 2015 vì ung thư não khiến ông quyết định không tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Ông vẫn luôn xúc động khi nhắc đến con.
Cả hai bi kịch đó có thể giúp ông Biden tìm thấy sự đồng cảm với những người dân bình thường. Điều này sẽ có ý nghĩa chính trị quan trọng, khi ông đảm nhận chức vụ lãnh đạo tại một quốc gia đang tồn tại những vết thương khó lành.
Hồ sơ chính trị “lão làng” của ông Biden là điều không cần bàn cãi. Thời gian ông phục vụ tại Thượng viện chỉ xếp sau 17 thượng nghị sĩ trong lịch sử Mỹ.
Ông thảo luận về luật “anti-busing” với cựu Tổng thống Jimmy Carter (“busing” là thuật ngữ chỉ việc phân chia và vận chuyển học sinh bằng xe buýt tới các trường bên ngoài địa phương để thúc đẩy sự đa dạng về chủng tộc) và bàn bạc về các các ứng viên Tòa án Tối cao với George H.W. Bush (Bush cha).
Ông tham gia soạn thảo luật về tội phạm dưới thời Bill Clinton và đồng ý tiến hành cuộc chiến Iraq dưới thời George W. Bush (Bush con).
Ông chứng kiến những ngôi sao chính trị nổi lên và những ông lớn chính trường đi vào sử sách.
Và giờ đây, người đàn ông từng là một trong những thượng nghị sĩ trẻ nhất nước Mỹ – ở tuổi 30, độ tuổi tối thiểu đối với một thượng nghị sĩ – sẽ bước vào Nhà Trắng với tư cách tổng thống cao tuổi nhất của đất nước.
Chìa khóa để hiểu ông Biden là ở Thượng viện – nơi ông trải qua phần lớn sự nghiệp của mình.
Đó là nơi mà những người đi trước dạy cho ông bài học về sự thỏa hiệp, và việc không đặt câu hỏi về động cơ của người khác.
Họ hoạt động trong thế giới mà sự đồng thuận là mục tiêu cao nhất, ngay cả khi quan niệm đó giờ đây có vẻ xa lạ, giữa một thiết chế ngày càng nặng tính đảng phái.
“Thượng viện Mỹ đã là cuộc sống của tôi. Đó không phải cách nói cường điệu”, ông nói trong bài diễn văn chia tay trước khi trở thành phó tổng thống vào năm 2009. “Đó thực sự là cuộc sống của tôi”.
Những bài học đó có thế tiết lộ phần nào về cách tiếp cận của ông Biden đối với việc điều hành đất nước. Ông tuyên bố tin tưởng vào thể chế, và ông chống lại áp lực của phe cấp tiến trong việc thay đổi các quy chuẩn, như việc đòi mở rộng Tòa án Tối cao.
“Điều kỳ diệu của Joe Biden là mọi thứ ông ấy làm đều trở thành thứ hợp lý mới”, cựu ứng viên tổng thống Andrew Yang nói vào năm ngoái, khi hồi tưởng về vòng tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Song một câu hỏi lớn chưa được trả lời, câu hỏi có thể định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, là còn bao nhiêu không gian cho bất kỳ hình thức xây dựng đồng thuận nào?
Thực tế, ông Biden bước đầu có được thuận lợi khi đảng Dân chủ sẽ nắm giữ cả hai viện quốc hội (dù rất sít sao tại Thượng viện với lá phiếu quyết định của phó tổng thống).
Song quốc hội thời nay đã thay đổi đáng kể, và khả năng ông Biden có thể làm chủ được cơ quan này sẽ có tác động sâu rộng đến cơ hội thông qua bất kỳ đạo luật đầy tham vọng nào mà ông đang chuẩn bị.
“Thượng viện Mỹ đã là cuộc sống của tôi. Đó không phải cách nói cường điệu”, ông nói trong bài diễn văn chia tay trước khi trở thành phó tổng thống vào năm 2009. “Đó thực sự là cuộc sống của tôi”.
Những bài học đó có thế tiết lộ phần nào về cách tiếp cận của ông Biden đối với việc điều hành đất nước. Ông tuyên bố tin tưởng vào thể chế, và ông chống lại áp lực của phe cấp tiến trong việc thay đổi các quy chuẩn, như việc đòi mở rộng Tòa án Tối cao.
“Điều kỳ diệu của Joe Biden là mọi thứ ông ấy làm đều trở thành thứ hợp lý mới”, cựu ứng viên tổng thống Andrew Yang nói vào năm ngoái, khi hồi tưởng về vòng tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Song một câu hỏi lớn chưa được trả lời, câu hỏi có thể định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, là còn bao nhiêu không gian cho bất kỳ hình thức xây dựng đồng thuận nào?
Thực tế, ông Biden bước đầu có được thuận lợi khi đảng Dân chủ sẽ nắm giữ cả hai viện quốc hội (dù rất sít sao tại Thượng viện với lá phiếu quyết định của phó tổng thống).
Song quốc hội thời nay đã thay đổi đáng kể, và khả năng ông Biden có thể làm chủ được cơ quan này sẽ có tác động sâu rộng đến cơ hội thông qua bất kỳ đạo luật đầy tham vọng nào mà ông đang chuẩn bị.
Một số nhà quan sát vẫn lạc quan rằng ông Biden là nhà lãnh đạo lý tưởng trong hoàn cảnh hiện nay, với kinh nghiệm dày dạn ở Thượng viện và khả năng thuyết phục lưỡng đảng.
“Đã lâu rồi chúng ta mới có một tổng thống Mỹ ở lâu và đi sâu trong giới lập pháp như Joe Biden”, Elaine Kamarck, nhà nghiên cứu cao cấp về khoa học quản trị tại Viện Brookings, nhận xét trong một diễn đàn trực tuyến hồi cuối năm ngoái.
“Ông Biden thực sự biết rất nhiều về quốc hội. Bạn phải quay lại thời Lyndon Baines Johnson (nhiệm kỳ 1963-1969) để tìm được một tổng thống cũng là người của quốc hội như Joe Biden”, bà Kamarck giải thích.
“Thứ hai, Joe Biden thích đạt được thỏa thuận. Ông ấy giỏi việc này. Đó là một trong những điều ông ấy đã làm trong chính quyền Obama”, Kamarck nói.
Không giống “sếp” cũ, cựu Tổng thống Barack Obama – người vẫn hơi xa cách với quốc hội, ông Biden luôn là kiểu người hành động trong thời gian là thượng nghị sĩ và phó tổng thống.
Ông không ngừng quan sát, trao đổi và tìm cách đạt được hết thỏa thuận này đến thỏa thuận khác.
“‘Phương thức’ của Biden dao động từ việc liên tục níu áo các thành viên ở Thượng viện (hoặc trong phòng cất đồ của đảng Dân chủ) để nói chuyện, cho đến việc đi xuống phòng tập thể dục của quốc hội khi ông ấy nghe nói rằng một nghị sĩ do dự đang ở đó”, cựu trợ lý của ông tại Thượng viện, Michael Haltzel, nói với Foreign Policy.
Trên đôi cánh đại bàng
Xuyên suốt sự nghiệp, ông Biden luôn là người “kiên cường cả trong chuyện cá nhân lẫn trong chuyện chính trị”, theo Kate Bedingfield, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông.
Song sự hài hước khiêm tốn và nụ cười hiền từ của ông giúp che đậy tham vọng mạnh mẽ tồn tại bên dưới.
Một nữ tu từng kể lại chuyện cậu bé Biden 7 tuổi viết giấy tuyên bố rằng mình muốn trở thành tổng thống, theo Washington Post. Đó là ước mơ mà ông đã theo đuổi hàng chục năm nay.
“Anh trai tôi là người phù hợp trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay. Anh ấy biết cách chữa lành. Và cuộc đời của Joe chính là về sự chữa lành và vượt qua nghịch cảnh. Đó là những gì đất nước chúng ta cần”, Valerie Biden, em gái và là một trong những người thân cận nhất với ông, nói sau đêm bầu cử ngày 3/11/2020.
Trong bài phát biểu chiến thắng hôm 7/11, đêm mà ông Biden được truyền thông tuyên bố là tổng thống đắc cử, ông nói mình đã suy nghĩ về bài thánh ca On Eagle’s Wings (Trên đôi cánh đại bàng) và niềm tin đã giúp ông vượt qua mọi chuyện.
Ông nói bài thánh ca giúp ông cảm thấy được an ủi và ông hy vọng nó cũng sẽ giúp xoa dịu đất nước.
Điều mà ông Biden không nói, là ông và Beau – người con trai ốm yếu – từng cùng nhau ngồi ngắm một con đại bàng bay qua.
Vào đêm mà con trai ông qua đời, ông Biden quan sát con đại bàng lượn qua lại vài vòng trước khi nó bay xa.
Giờ đây, khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, ông sẽ được chào đón bằng con dấu của tổng thống Mỹ, với biểu tượng nổi bật nhất là hình ảnh chim đại bàng đầu trắng.
Đó là lời nhắc nhở về cả những gì ông đạt được lẫn những gì ông đánh mất, những sự “khó lý giải” của cuộc sống và số phận.
Và Người sẽ nâng bạn lên trên đôi cánh của đại bàng
Dìu bạn vào hơi thở của bình minh
Làm cho bạn tỏa sáng như mặt trời
Và giữ bạn trong lòng bàn tay Người.