Các nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đã quay trở lại sau khoảng thời gian kín tiếng ngắn ngủi, giữa lúc phương Tây gây sức ép với Bắc Kinh.
Các nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc gần đây đã hoạt động mạnh trở lại sau khi Bắc Kinh vấp phải sự chỉ trích của phương Tây về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Sự khởi nguồn của “Chiến binh sói”
“Ngoại giao chiến lang” đã trở thành thuật ngữ phổ biến vào năm 2019, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc – nổi bật nhất là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên – đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, vốn bị chặn ở Trung Quốc.
Theo SCMP, “Chiến lang” (hay Chiến binh sói) thực chất là tên một chuỗi phim hành động yêu nước bom tấn tại Trung Quốc, xây dựng hình tượng các nhân vật với sứ mệnh chiến đấu với kẻ thù cả trong và ngoài nước để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Bộ phim đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 2015 và thu về hơn 76 triệu USD tại các phòng vé.
Bộ phim này tiếp tục phát triển phần tiếp theo và trở thành bộ phim ăn khách nhất tại Trung Quốc vào thời điểm công chiếu hồi năm 2017. “Chiến binh sói 2” xây dựng câu chuyện xung quanh một đội binh lính thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được gửi tới một nước châu Phi để giải cứu công dân Trung Quốc. Thông điệp xuyên suốt bộ phim là “Dù ở cách xa vạn dặm, nhưng bất kỳ ai chống đối Trung Quốc đều phải trả giá”.
Trung Quốc nói rằng họ buộc phải thay đổi giọng điệu trong bối cảnh chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cứng rắn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao Trung Quốc như ông Triệu Lập Kiên, người từng gây chú ý hồi năm 2019 với các dòng tweet gây tranh cãi khi còn công tác tại Pakistan, đã đảm nhận vai trò “chiến đấu” mới là người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ một năm sau đó.
Ông Triệu thúc đẩy các thuyết âm mưu bao gồm cáo buộc quân đội Mỹ có thể đã đưa Covid-19 đến Trung Quốc, và sau đó chỉ trích Australia trong các dòng tweet cáo buộc “binh lính Australia sát hại dân thường và tù nhân Afghanistan”.
Bài đăng của ông Triệu đi kèm với hình ảnh minh họa một người lính đang cầm một con dao đẫm máu kề vào cổ một đứa trẻ. Bài viết này đã bị Thủ tướng Australia lên tiếng chỉ trích, khiến quan hệ song phương căng thẳng.
Tuyên bố của ông Trump về “vi rút Trung Quốc” khiến các nhà ngoại giao của Bắc Kinh nổi đóa khi đại dịch bùng phát khắp thế giới.
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc chuyển hướng sang chiến lược ngoại giao “tấn công” đã phần nào cho thấy một Trung Quốc ngày càng quyết đoán dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đội quân ngoại giao chiến lang trở lại
Khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nuôi hy vọng về việc thiết lập lại quan hệ song phương.
Tuy nhiên, “lệnh ngừng bắn” dường như đã sụp đổ tại cuộc gặp Mỹ – Trung ở Anchorage, bang Alaska, Mỹ hồi giữa tháng 3, khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì cảnh báo sẽ hành động để đáp trả “sự can thiệp của Mỹ”.
“Phát biểu cứng rắn của ông Dương Khiết Trì ở Anchorage dường như càng khuyến khích các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc thoải mái đưa ra những phát ngôn quyết liệt” Tiến sĩ Mathieu Duchatel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Institut Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp), cho biết.
Sau cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì với quan chức Mỹ, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Rio de Janeiro (Brazil) Li Yang đã gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “cậu bé”, trong khi gọi Canada là “con cún chạy theo Mỹ”.
Vào cuối tháng 3, khi Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Mỹ áp lệnh pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thậm chí cho rằng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bịa đặt những luận điệu về Tân Cương nhằm gây bất ổn cho Trung Quốc.
Nhằm đáp trả các thương hiệu quốc tế như H&M và Nike, khi các hãng này bày tỏ lo ngại về vấn đề cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ trong chuỗi cung ứng bông ở Tân Cương, bà Hoa Xuân Oánh đã đưa ra một bức ảnh mà bà cho là nô lệ da đen trên các cánh đồng bông ở Mỹ. Đề cập đến việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, bà Hoa cho rằng các nước khác không có tư cách để chỉ trích Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này buộc phải trả đũa khi các đối thủ – đặc biệt là các nước phương Tây – “bắt tay” nhau để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Theo AFP, giọng điệu của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, so với triết lý của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đó là “giấu mình, chờ thời”.
Khi Pháp gần đây triệu tập đại sứ Trung Quốc về hành vi “không thể chấp nhận được”, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nhà ngoại giao nước này sẽ không tuân thủ ngay lập tức, thay vào đó sẽ đến trình bày về các lệnh trừng phạt và vấn đề Đài Loan.
“Sự thiếu ổn định của môi trường quốc tế cũng tạo cho Bắc Kinh một không gian phát triển chiến lược nhằm thách thức trật tự quốc tế hiện có”, Tiến sĩ Zhao Alexandre Huang, học giả tại Đại học Gustave Eiffel ở Pháp, nhận định.
Theo Tiến sĩ Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore, việc Trung Quốc phô diễn sức mạnh và đe dọa trả đũa có thể dẫn tới căng thẳng trong quan hệ với các nước, tuy nhiên chiến thuật này cũng có thể khiến những nước khác lo sợ.
Theo ông Chong, các quốc gia phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc “dễ bị khuất phục hơn” trước Bắc Kinh. Trong khi đó, những nước đã có kinh nghiệm đối phó với sức ép từ Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc dập tắt cơn giận của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cuộc chiến ngoại giao trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” với Trung Quốc. Tháng 9/2020, tài khoản Twitter của Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã nhấn “thích” một video do một trang chuyên về phim khiêu dâm đăng tải. Ông Lưu nói rằng tài khoản của ông đã bị tấn công. Ông đã nghỉ hưu vài tháng sau đó.
Thành Đạt
Tổng hợp