Số lượng người gốc Á tại bang Georgia tăng gấp đôi trong hai thập niên đã tác động tới những lựa chọn về ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm nay.
4 năm trước, Maliha Javed – một người nhập cư từ Pakistan không quan tâm tới chính trị. Là sinh viên ở ngoại ô thành phố Atlanta, bang Georgia, Maliha mải bận rộn với sách vở và việc học trên lớp. Năm đó, cô không đi bỏ phiếu bầu tổng thống.
Tuy nhiên, khoảng thời gian 4 năm qua đã làm thay đổi Maliha. Lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các nước Hồi giáo của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ảnh hưởng tới một số người bạn của cô. Chính sách chia tách trẻ em nhập cư của Tổng thống Trump khiến Maliha nhớ lại việc cô từng phải sống xa bố mẹ suốt 3 năm khi chuyển tới Mỹ.
Vào ngày bầu cử năm nay, Maliha, người phụ nữ 24 tuổi và đang mang thai một bé trai, đã đi bỏ phiếu lần đầu tiên trong cuộc đời. Ứng viên tổng thống được cô lựa chọn là Joe Biden.
“Tôi mong muốn một đất nước tốt đẹp hơn để con trai tôi lớn lên ở đó”, Maliha nói.
Maliha là một phần trong cộng đồng mới, tuy nhỏ nhưng quyền lực, trong hệ thống chính trị của Georgia: Những cử tri gốc Á.
Maliha sống ở Gwinnett, hạt đông dân thứ hai tại Georgia và là nơi có số lượng người Mỹ gốc Á đông đảo nhất. Ông Biden, người đánh bại Tổng thống Trump với kết quả sít sao ở Georgia, đã giành chiến thắng tại Gwinnett với 18 điểm phần trăm. Đây là mức tăng đáng kể so với kết quả mà bà Hillary Clinton nhận được cách đây 4 năm và là lần thứ hai hạt này chuyển sang ủng hộ đảng Dân chủ kể từ thập niên 1970.
Theo thống kê của Fox News, ông Biden dẫn trước ông Trump với tỷ lệ phiếu bầu 49,5% và 49,3% tại Georgia. Georgia, bang chiến trường với 16 phiếu đại cử tri, là nơi chứng kiến cuộc đua nghẹt thở giữa hai ứng viên tổng thống.
Sự gia tăng của làn sóng cử tri gốc Á
Theo New York Times, sự xuất hiện của nhóm cử tri Mỹ gốc Á tại Georgia là một điểm sáng cho đảng Dân chủ, vốn trông cậy vào những thay đổi về nhân khẩu nhằm mang lại chiến thắng về chính trị trên toàn nước Mỹ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, những người Mỹ gốc Á là lực lượng gia tăng nhanh nhất trong số các cử tri hợp lệ thuộc các nhóm sắc tộc chính ở Mỹ. Từ năm 2000 đến 2020, số người Mỹ gốc Á đã tăng gấp đôi cả ở Gwinnett và trên toàn quốc.
Các gia đình gốc Á tại Mỹ có nguồn gốc từ hàng chục quốc gia khác nhau, tuy nhiên phần lớn cử tri bỏ phiếu chỉ đến từ 6 nước, trong đó Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ chiếm hơn một nửa, tiếp đến là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với những người Mỹ gốc Á ở Gwinnett cho thấy khuynh hướng chính trị của họ không đồng nhất. Mặc dù nhiều người bỏ phiếu cho ông Biden, nhưng họ không đứng về phía đảng Dân chủ.
Nhiều cử tri mới bị kéo vào cuộc đua tổng thống vì sự kiện này phủ bóng quá lớn vào văn hóa Mỹ. Những người Mỹ gốc Á thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng xu hướng này vẫn có sự khác biệt do vấn đề nguồn gốc và khoảng cách thế hệ. AAPI Data, công ty phân tích dữ liệu tập trung vào người Mỹ gốc Á, phát hiện ra rằng nhiều cử tri gốc Việt nhập cư nghiêng về đảng Cộng hòa, trong khi rất ít cử tri gốc Bangladesh làm như vậy. Các cử tri gốc Việt sinh ra ở Mỹ thường ít ngả về đảng Cộng hòa hơn so với cha mẹ họ – những người sinh ra ở nước ngoài.
“Tôi muốn là một thành viên của đảng Cộng hòa, nhưng bây giờ họ thật điên rồ”, Jae Song, 50 tuổi, một nhân viên công nghệ thông tin và là người Hàn Quốc nhập cư, cho biết.
Song nói rằng ông yêu thích Tổng thống Trump về vấn đề kinh tế, nhưng ông không ủng hộ ông chủ Nhà Trắng về vấn đề Covid-19. Con gái ông ở New York cũng phải đối mặt với việc bị bôi nhọ về sắc tộc. Tuy nhiên, Song cũng cảm thấy khó hiểu về những ưu tiên của đảng Dân chủ. Ông đã nghe nhiều về khẩu hiệu “Sinh mạng của người da đen là đáng giá”, và ông tự hỏi: “Vậy còn chúng tôi thì sao?”.
Các cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng cử tri Mỹ gốc Á trong cuộc bỏ phiếu năm nay. Sự gia tăng này xuất phát từ việc số lượng người Mỹ gốc Á tăng lên tại Georgia. Khoảng 2,5% cử tri tại Georgia năm nay là người Mỹ gốc Á, tăng 1,6% so với cuộc bầu cử năm 2016.
James Woo, 35 tuổi, là người nhập cư từ Seoul, Hàn Quốc tới Meridian, bang Mississippi vào cuối thập niên 1990. Woo nói rằng việc là một người gốc Á từng là trải nghiệm không mấy dễ dàng trong những năm đầu tới Mỹ. Woo chuyển đến Georgia vào năm lớp 6 và làm việc tại cửa hàng của bố mẹ cho tới khi học đại học. Ông đã trải qua cảm giác bị phân biệt đối xử.
“Tôi đã chứng kiến điều đó khi lớn lên, sự phân biệt đối xử, và tôi không muốn các con tôi cũng như vậy. Tôi muốn chúng cảm thấy như chúng tôi thuộc về nơi này. Đây là nhà của chúng tôi”, Woo nói.
Woo nhận ra rằng, cách để đạt được mục tiêu trên là bầu thêm nhiều người Mỹ gốc Á vào các văn phòng của chính quyền ở Georgia.
“Đối với tôi, vấn đề không phải là bang (Georgia) sẽ chuyển sang màu xanh, hay thuộc về đảng nào, mà là sẽ có những người như tôi, với nền tảng như tôi, được bầu chọn”, Woo nói.
Không phải toàn bộ người Mỹ gốc Á đều ủng hộ đảng Dân chủ. Khoảng 1/5 trong số người nhập cư gốc Hàn bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016 và nhiều người ở hạt Gwinnett tháng này nói rằng họ tin tưởng ông Trump hơn ông Biden trong lĩnh vực kinh tế.
Kyung Baek, 58 tuổi, người nhập cư gốc Hàn bán hàng tại Duluth, cho biết đã bỏ phiếu cho ông Trump vì thích những phát ngôn cứng rắn của ứng viên đảng Cộng hòa nhằm vào Trung Quốc, cũng như việc ông Trump bỏ qua vấn đề Covid-19 “nhỏ hơn” để tập trung vào vấn đề kinh tế “lớn hơn”.
“Mối quan tâm của ông Trump là những vấn đề lớn lao, chứ không phải những vấn đề nhỏ nhặt. Khi nước Mỹ giàu có, tôi cũng trở nên giàu có”, bà Kyung nói, đồng thời khẳng định kinh tế là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Thành Đạt
Tổng hợp