Kể từ đầu năm 2021, ngoài Mỹ, hàng loạt các quốc gia phương Tây đều có kế hoạch điều tàu chiến tới các điểm nóng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, gồm Biển Đông, nhằm thách thức Trung Quốc.
Theo News.com.au, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Canada trong năm nay đều đang lên kế hoạch đưa chiến hạm tới Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông nhằm phát đi thông điệp “nắn gân” các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu sân bay 65.000 tấn HMS Queen Elizabeth sẽ đến Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Hà Lan tuyên bố sẽ điều tàu chiến hộ tống hàng không mẫu hạm của Anh tới khu vực. Họ cũng nhấn mạnh rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển nên là nền tảng cơ bản để giải quyết mọi xung đột ở khu vực.
Pháp, trong khi đó, đã đưa một trong những tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân qua Biển Đông trong tháng này. Hiện thời, họ đang tiếp tục điều tàu tấn công đổ bộ 21.000 tấn FS Tonnere và một tàu khu trục nhỏ qua khu vực này trong những tuần tới.
Cuối tháng trước, tàu khu trục Winnipeg của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua eo biển Đài Loan để phát đi thông điệp về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Thêm vào đó, Đức đang lên kế hoạch đưa tàu khu trục nhỏ đến Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. “Chúng tôi muốn nâng cao quan hệ với các đối tác trong nhóm các quốc gia dân chủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas Silberhorn cho hay.
Cùng với các quốc gia phương Tây, Mỹ cũng thường điều khí tài qua Biển Đông để “khẳng định các quyền tự do hàng hải”, đồng thời thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở khu vực.
Phản ứng trước các động thái trên, báo nhà nước Trung Quốc, Nhân dân Nhật Báo, cho rằng rằng bằng việc điều động các khí tài hải quân tới Biển Đông, Pháp và Anh đang góp phần vào kế hoạch chống Trung Quốc của Mỹ. Tác giả bài viết cáo buộc phương Tây đang có thực hiện nỗ lực không tốt đẹp và có thể “có thể gây ra khủng hoảng khu vực”.
Theo News.com.au, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông trong năm qua. Họ đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn”, yêu sách không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, động thái của các quốc gia phương Tây dường như gửi đi tín hiệu rằng việc Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền và thực hiện các động thái phi pháp ở Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế, không còn là vấn đề khu vực.
Đức Hoàng
Theo News.com.au