Hàng loạt quốc gia chỉ trích Trung Quốc vụ đăng ảnh gây tranh cãi

Liên minh châu Âu (EU) và hàng loạt quốc gia đã chỉ trích Trung Quốc vì đăng tải bức ảnh gây tranh cãi khiến mối quan hệ với Australia bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: Guardian)

“Chúng tôi xem việc cố tình phát tán một bức ảnh giả mạo thông qua các tài khoản mạng xã hội liên kết với Bộ Ngoại giao Trung Quốc là hành động vô trách nhiệm, thiếu tế nhị và hoàn toàn không mang tính xây dựng, đặc biệt đối với chủ đề còn đang nghi vấn”, người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh của EU Nabila Massrali nói với Guardian ngày 4/12.

“Không thể biện minh cho hành động cũng như việc sử dụng công cụ thông tin để phát tán hình ảnh hoặc thông tin bịa đặt như vậy”, bà Massrali cho biết thêm.

Bà Massrali nói rằng chính phủ Australia đã mở cuộc điều tra liên quan đến hành vi sai trái nghiêm trọng của binh sĩ Australia tại Afghanistan và đang xử lý kết quả điều tra. Bà cho biết EU đã đề cập vấn đề này trong một cuộc đối thoại với quan chức Trung Quốc vào ngày 1/12.

Tuyên bố của người phát ngôn EU được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang rơi vào căng thẳng, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng ảnh binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan lên Twitter.

Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích bức ảnh này là “giả mạo” và yêu cầu Trung Quốc xin lỗi. Tuy nhiên Bắc Kinh không chấp nhận yêu cầu này, thậm chí Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia “tố ngược” Australia phản ứng thái quá.

Một quan chức cấp cao EU cho biết khối này lấy làm tiếc về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Australia, khi Bắc Kinh thực hiện hàng loạt hành động trả đũa về thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Australia. Quan chức EU cũng kêu gọi hai bên quay trở lại đối thoại, tránh leo thang căng thẳng và gây sức ép đơn phương.

Australia tuần trước để ngỏ khả năng kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi Bắc Kinh áp thuế với lúa mạch Australia. Bắc Kinh trước đó đã dừng nhập khẩu than đá từ Australia, cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia và áp thuế lên tới hơn 200% đối với rượu Australia với lý do bán phá giá.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Australia ngày 4/12 tiếp tục khẳng định rằng, “thương mại không nên được sử dụng như một công cụ để gây sức ép về chính trị”. Nhật Bản tuyên bố sẽ “cân nhắc phương án thực thi quyền của bên thứ 3” trong trường hợp Australia khởi kiện Trung Quốc tại WTO vì áp thuế lên lúa mạch.

Tuyên bố của EU và Nhật Bản được đưa ra sau khi Anh, Mỹ, Đức, Pháp và New Zealand đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng bức ảnh gây sốc lên Twitter.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc “đạo đức giả”, đồng thời cho rằng “cuộc tấn công gần đây nhất của Trung Quốc nhằm vào Australia là bằng chứng nữa cho thấy việc Bắc Kinh sử dụng thông tin sai lệch khi chưa kiểm chứng và chính sách ngoại giao cưỡng ép của họ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng, dòng tweet của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “đặc biệt gây sốc”, và bình luận của ông Triệu Lập Kiên đã “xúc phạm tất cả quốc gia có lực lượng vũ trang đang hoạt động tại Afghanistan”.

Trong khi đó, một người phát ngôn của văn phòng đối ngoại liên bang Đức ngày 3/12 nói rằng việc đăng bức ảnh gây sốc lên tài khoản mạng xã hội chính thức là hành động “không thể chấp nhận được”.

Thành Đạt

Theo Guardian, SCMP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *