Ông Joe Biden đã thành công trong lần thứ ba tranh cử tổng thống. Ở tuổi 78, người đàn ông đã trải qua những thời điểm bi kịch nhất của cuộc đời, giờ đây bước vào Nhà Trắng với thông điệp đoàn kết và hàn gắn.
Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên sau khi được các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin, Tổng thống tân cử Joe Biden đã nhấn mạnh thông điệp hàn gắn nước Mỹ.
Kỳ bầu cử vừa qua cho thấy một nước Mỹ phân cực sâu sắc, số cử tri đi bỏ phiếu cao nhất lịch sử. Cử tri ủng hộ hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden thể hiện những kỳ vọng khác nhau. Quan điểm chính sách của từng ứng viên cũng rất khác biệt.
Do đó, ông Biden khi tiếp quản Nhà Trắng sẽ đứng trước thách thức lớn để đoàn kết và hàn gắn nước Mỹ, như chính cam kết đầu tiên ông đưa ra vào sáng 8.11 (giờ Việt Nam).
“Hãy giữ vững niềm tin” – đó là chia sẻ của ông Biden khi kết thúc bài phát biểu. Thông điệp của ông Biden gợi nhắc tới hành trình đứng dậy sau nhiều lần nếm trải thất bại và nỗi đau, tưởng như không thể vượt qua. Ở tuổi 78, ông ra tranh cử tổng thống với khẩu hiệu xuyên suốt: Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn), như cách ông vượt qua và “xây dựng lại” cuộc đời nhiều bi kịch của mình.
Chuỗi bi kịch cuộc đời
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania với cư dân chủ yếu là tầng lớp lao động, ông Biden từ nhỏ phải học cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi thường xuyên phải chuyển chỗ ở. Từ nhỏ, Biden hay bị bạn bè bắt nạt và châm chọc vì tật nói lắp. Tuy nhiên, sự cứng rắn, kiên trì mà cậu nhóc Biden học được từ người cha, người buôn xe hơi cũ lúc đó đang sa cơ, đã giúp ông vượt qua những khó khăn. “Thước đo đối với một người đàn ông không phải là anh ta bị đánh gục bao nhiêu lần, mà là cách anh ta đứng dậy nhanh như thế nào”, ông Biden nhớ lại lời cha dạy.
Tính cách đó đi theo ông trong suốt con đường trưởng thành và sự nghiệp chính trị sau này. Con đường chính trị của Biden khởi đầu vào năm 1970 khi ông gia nhập đảng Dân chủ và đắc cử vào Hội đồng quận New Castle một năm sau đó. Năm 1972, ông Biden được các thành viên đảng Dân chủ vận động tranh cử ghế thượng nghị sĩ tại bang Delaware.
Trước đối thủ sừng sỏ của đảng Cộng hòa J. Caleb Boggs với 12 năm làm thượng nghị sĩ và được Tổng thống Richard Nixon ủng hộ, ông Biden gần như không có mảy may cơ hội nào. Tuy nhiên, với ban quản lý chiến dịch toàn là thành viên trong gia đình, gương mặt non trẻ đó bất ngờ giành chiến thắng vang dội. Ông Biden trở thành một trong số những thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.
Khi sự nghiệp chính trường còn chưa bắt đầu, bi kịch đầu tiên bất ngờ ập đến với gia đình ông Biden. Ngày 18.12.1972, người vợ Neilia và cô con gái chỉ mới 1 tuổi Naomi thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Vụ tai nạn còn khiến 2 đứa con trai còn lại của ông, Beau và Hunter, bị thương nặng.
Thời điểm đó, ông sắp đặt chân vào thượng viện nhưng bi kịch gia đình khiến ông suýt gục ngã và định từ bỏ cả vị trí mới đạt được. Sau khi được an ủi, ông Biden quyết định bước tiếp và tuyên thệ nhậm chức ngay bên cạnh giường bệnh của con. Dù vậy, bi kịch khiến ông Biden suy sụp một thời gian dài sau đó, đến mức các nhân viên của ông còn đặt cược với nhau xem ông sẽ trụ lại được bao lâu. Biden quyết định ở cạnh các con và mỗi ngày dành tổng cộng 180 phút để đi tàu Amtrak cả đi và về từ nhà ở Wilmington đến Washington D.C làm việc trong suốt thời gian làm thượng nghị sĩ và kể cả sau đó là phó tổng thống. Trừ đi những ngày không làm việc, tổng thời gian ông Biden dành ra để đi làm trên tàu Amtrak tương đương với 4 năm cuộc đời và người ta đặt cho ông biệt danh là “Amtrak Joe”.
Ông Biden “gà trống nuôi con” trong suốt 5 năm và để tưởng nhớ đến người vợ và cũng là bạn đồng môn trường luật, ông không làm việc vào ngày 18.12 hằng năm. Ông Biden kết hôn với người vợ thứ hai là bà Jill Jacobs vào năm 1977 và có một con gái.
Năm 1988, biến cố lại ập đến khi bác sĩ phát hiện ông bị phình mạch máu não và phải trải qua hai cuộc phẫu thuật với nhiều rủi ro. “Thượng nghị sĩ, ông có thể không còn nói được sau cuộc phẫu thuật”, vị bác sĩ đã nói với ông như vậy trước cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, với câu khẩu hiệu phải luôn “đứng dậy” mà người cha chỉ dạy, ông Biden đã vượt qua và tiếp tục sự nghiệp chính trị. Trớ trêu thay, số phận vẫn quyết định không buông tha cho ông. Ngày 30.5.2015, người con trai Beau Biden qua đời sau trận chiến chống lại căn bệnh ung thư não khi mới 46 tuổi.
Ông Biden cho rằng chính những biến cố đã mang lại mục đích để ông bước tiếp, đó chính là giúp đỡ những người đã và đang phải trải qua những mất mát, theo CNN. “Nhiều người đến đến gặp tôi và nói họ vừa mất con trai, con gái và hỏi rằng liệu họ có ổn không? Mỗi người đều có cách khác nhau nhưng đối với tôi: cách để bạn vượt qua thảm kịch to lớn là bạn phải tìm mục đích trong cuộc đời. Tôi cảm nhận được mục đích đó khi có thể giúp đỡ người khác”, ông Biden nói.
Hành trình nhận được tư cách ứng viên đại diện đảng Dân chủ của ông Biden là một chuỗi những vấp ngã và đứng dậy. “Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được làm thế nào người ta có thể đưa ra quyết định tự sát một cách có ý thức”, ông Biden hồi tưởng về khoảnh khắc đen tối sau khi mất vợ con. Tuy nhiên, chính nhờ bài học thuở nhỏ từ người cha về việc đứng lên sau mỗi lần vấp ngã đã giúp ông Biden trở thành con người mạnh mẽ. Ông muốn chứng minh cho hàng triệu người đang đối diện với thực tại khủng khiếp đó rằng việc vơi bớt mất mát và vượt qua nó là điều hoàn toàn có thể.